Nhận hoa hồng
18 Tháng Ba, 2023
Ma trận BCG là gì? Ưu và nhược điểm khi áp dụng BCG trong kinh doanh
Ma trận BCG được thiết kế nhằm giúp doanh nghiệp nhận ra cơ hội tăng trưởng của các danh mục sản phẩm, rồi dựa vào đó để đưa ra quyết định đầu tư tiếp hay ngừng sản xuất. Vậy ma trận BCG là gì? Ưu và nhược điểm của ma trận BCG trong quản trị chiến lược cụ thể như thế nào? Hãy cùng Mona Media tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây!
Ma trận BCG là gì?
Ma trận BCG (Boston Consulting Group) là mô hình được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược tăng trưởng thị phần bằng cách đưa các danh mục sản phẩm vào 4 nhóm, rồi từ đó xác định vị trí của các sản phẩm này trên thị trường để đưa ra quyết định đầu tư hay loại bỏ.
Ma trận BCG sẽ phân tích các danh mục sản phẩm dựa trên hai yếu tố đó là:
- Thị phần (Market Share): Thị phần của sản phẩm/dịch vụ nào đó trên thị trường.
- Tăng trưởng thị trường (Market Growth): Mức độ tăng trưởng của sản phẩm/dịch vụ đó trên thị trường.
Ma trận BCG gồm những gì?
Ma trận BCG được chia thành 4 góc phần tư. Một ma trận sẽ có 4 SBU, mỗi một góc phần tư tương với 1 SBU. Cho những ai chưa biết SBU là gì thì SBU (Strategic Business Unit) là một đơn vị kinh doanh chiến lược. SBU trong ma trận BCG được hiểu là một dòng sản phẩm, một sản phẩm hay một nhãn hiệu của doanh nghiệp, nhắm tới nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể nào đó.
Trong ma trận BCG bao gồm:
- SBU Ngôi sao: Sản phẩm ở các thị trường tăng trưởng cao với thị phần cao.
- SBU Dấu hỏi chấm: Sản phẩm tại các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhưng thị phần thấp.
- SBU Con bò sữa: Sản phẩm tại các thị trường tốc độ tăng trưởng thấp nhưng thị phần cao.
- SBU Con chó: Sản phẩm này có tốc độ tăng trưởng và thị phần thấp.
Tóm lại, có 3 điều cơ bản cần nhớ khi nói về ma trận BCG đó là:
- Ma trận BCG là một công cụ được sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp để đánh giá hiện trạng giá trị của các dòng sản phẩm trong công ty.
- Dựa vào ma trận BCG, công ty sẽ quyết định sản phẩm nào cần giữ lại, loại bỏ hoặc đầu tư thêm vào.
- Ma trận chứa 4 danh mục riêng biệt: SBU con chó, SBU dấu chấm hỏi, SBU ngôi sao và SBU con bò.
Phân tích ma trận BCG
Sau khi đã nắm rõ được ma trận BCG là gì và những thành phần có trong ma trận, chúng ta hãy cùng đi phân tích ma trận BCG một cách cụ thể trong phần nội dung tiếp theo đây.
SBU ngôi sao
SBU ngôi sao bao gồm sản phẩm ở các thị trường tăng trưởng cao và chiếm một phần lớn thị phần của thị trường đó. Các sản phẩm nằm trong nhóm này sở hữu lợi thế cạnh tranh cao, có nhiều cơ hội để phát triển lợi nhuận và tăng trưởng trong dài hạn.
Các sản phẩm trong “ngôi sao” được đánh giá cao về khả năng sinh lợi và tự đáp ứng được các nhu cầu về vốn. Nhưng trong quá trình hình thành cũng tiêu tốn một lượng vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp để giữ vững vị thế dẫn đầu.
Tuy nhiên, khi tốc độ tăng trưởng chung của thị trường giảm xuống, một sản phẩm dẫn đầu thị trường nằm trong SBU ngôi sao cuối cùng sẽ trở thành một sản phẩm nằm trong SBU con bò.
SBU dấu chấm hỏi
Những sản phẩm thuộc SBU dấu chấm hỏi có vị thế cạnh tranh và thị phần tương đối thấp. Tuy nhiên, chúng lại là những ngành tăng trưởng cao và rất triển vọng trong việc tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. SBU dấu chấm hỏi có thể trở thành SBU ngôi sao nếu được chú ý nuôi dưỡng vì chúng yêu cầu lượng vốn đầu tư lớn và cần được đánh giá đúng tiềm năng phát triển để có kế hoạch đầu tư đúng lúc.
SBU con bò sữa
SBU con bò sữa bao gồm những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng thấp nhưng chiếm thị phần cao và vị thế cạnh tranh mạnh. SBU này có khả năng tạo ra lợi nhuận cao nhưng không có cơ hội phát triển và tốc độ tăng trưởng trong ngành cũng rất thấp. Vì vậy nhu cầu về vốn đầu tư không quá lớn và được xem là nguồn lợi nhuận rất tốt cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, những sản phẩm trong SBU con bò có tỷ trọng tiền mặt cao, tăng trưởng thấp nên được “vắt kiệt” để lấy tiền nhằm tái đầu tư vào các “ngôi sao”, nơi có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai.
SBU con chó
Các sản phẩm trong SBU có mức độ cạnh tranh và thị phần đều thấp, đây là một trong những ngành tăng trưởng chậm. SBU này đòi hỏi lượng đầu tư lớn nhưng chỉ để duy trì một phần thị phần rất thấp, triển vọng phát triển trong tương lai cũng rất thấp nên có ít cơ hội để đem về lợi nhuận cao.
Tóm lại, một chiến lược marketing hiệu quả phải đảm bảo tăng cường hoặc duy trì hoạt động hỗ trợ cho các sản phẩm “ngôi sao” và “dấu hỏi”. Nhưng đồng thời giảm bớt đầu tư vào “bò sữa” và bỏ qua hay kết thúc tất cả những sản phẩm “con chó”.
Ưu và nhược điểm khi áp dụng ma trận BCG trong doanh nghiệp
Ưu điểm của ma trận BCG
Những ưu điểm nổi bật của ma trận BCG có thể kể đến là:
- Không quá phức tạp, dễ áp dụng
Với sơ đồ phân tích khá đơn giản, người sử dụng có thể dễ dàng hiểu và áp dụng được vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi nhìn vào ma trận BCG, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng nhóm “ngôi sao” và “con bò” là hai danh mục có lợi nhất đối với doanh nghiệp. Ngược lại, các sản phẩm ở hai nhóm “dấu hỏi” và “con chó” thì cần đặc biệt lưu ý để tránh đem lại những rủi ro và thất bại cho doanh nghiệp.
- Giúp doanh nghiệp xác định được hiệu quả hoạt động của đơn vị kinh doanh
Việc sử dụng ma trận BCG là một biện pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp xác định được đâu là lĩnh vực, đơn vị kinh doanh mang lại hiệu quả thấp để loại bỏ. Từ đó, giúp tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và vốn đầu tư cho những sản phẩm không có tiềm năng, và tập trung vào phát triển những sản phẩm có lãi.
Nói cách khác, ma trận BCG chính là phương hướng giúp doanh nghiệp phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý. Từ đó có thể tận dụng ngân sách để tối đa hóa cấu trúc kinh doanh.
- Dễ xác định để đầu tư vào các sản phẩm tiềm năng
Sau khi xác định được những danh mục cần loại bỏ, doanh nghiệp có thể tập trung vào những sản phẩm có nhiều tiềm năng để phát triển, cụ thể đó là danh mục ngôi sao và bò sữa.
Tùy theo tiềm lực tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro, nhà quản lý có thể lựa chọn phát triển theo hai hướng. Hoặc là những sản phẩm có khả năng tăng trưởng cao ở “ngôi sao” nhưng đồng thời đòi hỏi sự đầu tư đáng kể, hoặc doanh nghiệp có thể lựa chọn “con bò” giúp thu được dòng tiền tốt với mức đầu tư tối thiểu.
Nhược điểm của ma trận BCG
Ngoài những ưu điểm kể trên, ma trận BCG cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định, đó là:
- Không tính đến các yếu tố kinh doanh khác
Điểm hạn chế lớn của ma trận BCG đó là nó bỏ qua các khía cạnh kinh doanh khác cũng rất quan trọng đối với sự thành công doanh nghiệp. Thị phần và tăng trưởng ngành không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới lợi nhuận. Bên cạnh đó, thị phần cao không có nghĩa là nó sẽ mang lại lợi nhuận cao.
Ngay cả khi đã chọn một ngành hàng có tiềm năng tạo ra tiền, doanh nghiệp vẫn có thể bị lỗ nếu khả năng quản lý của bạn lãnh đạo cấp cao kém, nhân viên không tận tâm, hoặc các nguyên nhân bên ngoài không lường trước được phát sinh.
Hơn nữa, việc chọn một loại sản phẩm trong nhóm “ngôi sao” hoặc “con bò” không đảm bảo rằng công ty sẽ luôn thu được lợi nhuận.
- Không phù hợp sử dụng trong mô hình kinh doanh phức tạp
Với những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh phức tạp, việc áp dụng ma trận BCG sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi mô hình này chỉ xem xét đến 3 tiêu chí đó là dòng tiền, thị phần và tốc độ tăng trưởng nên không thể đưa ra giải pháp tối ưu cho mọi trường hợp.
Ngoài ra, chỉ có bốn góc phần tư được đem ra phân tích nên khó có thể phân loại nếu một sản phẩm nằm giữa các danh mục này.
Ý nghĩa của ma trận BCG
Ma trận BCG có những ý nghĩa sau:
- Ma trận BCG là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp phân bổ nguồn đầu tư một cách hợp lý.
- Ma trận BCG là một phần của bức tranh tổng quan về vấn đề phân bổ danh mục sản phẩm hiện tại của công ty.
- Ít dự báo cho các thành quả trong tương lai.
- Ma trận BCG không đề cập các khía cạnh liên quan tới các yếu tố từ môi trường bên ngoài.
- Những giả định được xác định từ ma trận BCG sẽ vẫn có những sai sót.
Chú ý khi dùng ma trận BCG
Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng ma trận BCG đó là:
- Thị phần chưa chắc đã đo lường được chính xác về tính hấp dẫn của một sản phẩm trên thị trường.
- Thị phần là thước đo về năng lực sản sinh ra lợi nhuận của một sản phẩm.
- Nếu như chỉ tập trung vào hai yếu tố đó là thị phần và tốc độ tăng trưởng sẽ làm cho công ty quên đi những yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của sản phẩm.
Việc áp dụng ma trận BCG trong marketing và quản trị chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp biết được nên tập trung nguồn lực phát triển vào đâu. Việc phát triển những danh mục sản phẩm thuộc nhóm “ngôi sao” và “dấu hỏi” sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tăng thị phần nhanh chóng. Còn nếu đầu tư vào những sản phẩm thuộc nhóm “bò sữa”, doanh nghiệp nên chú ý đến việc làm mới sản phẩm thông qua việc nâng cấp và hiện đại hóa nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng bền vững.
Trên đây là những nội dung liên quan tới ma trận BCG mà Mona Media muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hi vọng những thông tin hữu ích trên đây đã giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về mô hình thú vị này.
Có thể bạn quan tâm: Ma trận SWOT là gì? Ứng dụng của ma trận SWOT
Bài viết liên quan
Dịch vụ thiết kế
website chuyên nghiệp
Sở hữu website với giao diện đẹp, độc quyền 100%, bảo hành trọn đời với khả năng
mở rộng tính năng linh hoạt theo sự phát triển doanh nghiệp ngay hôm nay!